Vậy Những Người Chết Sẽ Đi Về Đâu?

Có lẽ tôi không phải là người duy nhất mang thắc mắc này suốt thời thơ ấu. Suy nghĩ đơn giản nhất của một đứa trẻ thơ chính là: Khi người ta chết rồi, mình sẽ không còn cơ hội gặp lại họ lần nữa.

Khi tôi chuẩn bị thi học kì II của năm cuối cấp 3 cũng là lúc ngoại ra đi mãi mãi, đó là lần đầu tiên tôi biết đến việc người chết và tang lễ là như thế nào. Ngày ngoại mất tôi không thể đi chôn cất ngoại được vì nó rơi ngay vào ngày thi môn Văn, mãi tận bây giờ tôi cứ luôn suy nghĩ nếu như lúc đó tôi bằng lòng thi lại kì thi học kì tẻ nhạt đó để có thể đưa ngoại đến nơi an nghỉ cuối cùng, bây giờ có lẽ tôi thấy lòng thanh thản hơn nhiều… Tôi thực sự là đứa cháu bất hiếu và đáng chê trách. Bao nhiêu năm rồi mỗi lần viếng mộ ngoại, tôi vẫn thầm nói câu xin lỗi, xin ngoại tha thứ cho một thời trẻ dại không hiểu chuyện của đứa cháu này. Hy vọng ngoại ở nơi chín suối an nhiên và chấp nhận lời xin lỗi.

Ngày ngoại mất, tôi đã tưởng tượng ra khung cảnh não nề đó như thế nào trong hàng giờ liền, nhưng không phải, đêm đó sau khi mọi người hoàn tất xong lễ thăm viếng, tôi thấy gia đình tôi vẫn nói chuyện với nhau rất bình thường, không còn khóc than kêu gào nữa. Có lẽ cách vượt qua nỗi buồn nhanh nhất chính là học cách “lờ” nó đi, cũng có lẽ do sự đau buồn đó đã kéo dài dai dẳng rồi, khóc cũng nhiều rồi nên lúc ngoại đi là dấu chấm hết cho tất cả. Tôi học được rằng, người chết rồi cũng sẽ trở thành dĩ vãng, trái đất vẫn cứ xoay, mọi người vẫn sẽ nhanh chóng bắt nhịp trở lại với cuộc sống hàng ngày.

Vậy câu trả lời cho việc người chết rồi sẽ đi đâu, tôi nghĩ họ sẽ nằm trong tâm trí của mỗi người, của những người thân trong gia đình, của người những đã từng yêu thương hay căm ghét họ. Rồi họ sẽ được nhắc đến qua những câu chuyện mà họ không còn hiện diện nữa. Họ sẽ được kể tới trong những lần đám giỗ hay những câu chuyện ca ngợi hoặc răn đe người còn sống. Chết là hết, nhưng những câu chuyện là còn mãi.

Gary Vee, một người mang tầm ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực marketing trên thế giới đã nói rằng, anh không nhận tiền làm quảng cáo cho những video trên kênh Youtube của mình, cái anh muốn chính là để lại danh tiếng sau này (“legacy”như anh đã đề cập). Tôi thấy đúng.

Rốt cục khi Steve Jobs, Barack Obama, hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng đến xã hội này ra đi, họ chẳng để lại gì ngoại trừ những câu chuyện về cuộc sống của họ, về con đường sự nghiệp và cách khiến họ thành công. Còn chúng ta, những người thấp cổ bé họng không mong làm nên sử sách gì giúp thay đổi lịch sử, chỉ mong khi còn sống chúng ta hãy cố vui vẻ, trở thành một người tốt bụng và dễ gần trong mắt người thân & bạn bè. Để sau này có chết đi, dù sao khi kể về chúng ta, con cháu vẫn nở một nụ cười tưởng nhớ.

Hôm nay cũng là ngày nam ca sĩ nổi tiếng Chester Bennington của nhóm nhạc rock trứ danh Linkin Park chọn cách kết liễu đời mình bằng cách tự vẫn ở nhà riêng. Đọc tin này xong, tôi thấy thật buồn cho một người nghệ sĩ tài năng. Anh đi rồi, nhưng anh đã để lại giọng ca thiên tài và những bài hát bất hủ của mình. Anh cũng chính là nguồn cảm hứng cho bài viết này. Hy vọng anh an nghỉ.

“When my time comes
Forget the wrong that I’ve done
Help me leave behind some reasons to be missed
And don’t resent me
And when you’re feeling empty
Keep me in your memory
Leave out all the rest
Leave out all the rest”

(Trích đoạn từ bài hát “Leave out all the rest” – Linkin Park)

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑